Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, địa hình có nhiều sông nhỏ, bé chảy qua. Nhắc đến Hà Tĩnh, người ta nhớ ngay về sông La, núi Hồng Lĩnh – biểu tượng đi vào thơ ca và gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người con nơi đây. Để biết thêm về thông tin bản đồ quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, bạn đọc đừng rời khỏi bài viết dưới đây nhé. 

Vị trí địa lý, đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tĩnh

Trước khi đi vào tìm hiểu bản đồ quy hoạch, định hướng phát triển tỉnh Hà Tĩnh thì hãy cùng nắm qua một vài thông tin cơ bản về tỉnh lỵ này nhé!

Vị trí địa lý

Hà Tĩnh có tọa độ trải dài từ 17°54’ đến 18°37’ vĩ Bắc và từ 106°30’ đến 105°07’ kinh Đông. Đây là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, cách thủ đô Hà Nội 340 km về phía Nam.

Vị trí địa lý tỉnh Hà Tĩnh giáp với:

  • Tỉnh Nghệ An ở phía Bắc
  • Tỉnh Quảng Bình ở phía Nam
  • Hai tỉnh Bolikhamxay và Khammuane của Lào ở phía Nam
  • Giáp biển Đông ở phía Đông
Bản đồ quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam

Diện tích, dân số

Hà Tĩnh có tổng diện tích đất tự nhiên là 5.990,7 km². Dân số của tỉnh khoảng 1.288.866 người (xếp thứ 25 về số dân). Dân số thành thị chiếm 19,5% với 251.968 người và dân số nông thôn chiếm 80,5% với 1.036.898 người.

Mật độ dân số của tỉnh là 212 người/km2.

Đơn vị hành chính

Tính đến năm 2021, Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: TP Hà Tĩnh, 2 thị xã Hồng Lĩnh, Kỳ Anh và 10 huyện gồm Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Lộc Hà, Nghi Xuân, Thạch Hà, Vũ Quang.

Bản đồ quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh
Bản đồ hành chính tỉnh Hà Tĩnh

Địa hình

Địa hình tỉnh Hà Tĩnh có vùng núi cao, vùng trung du, bán sơn địa, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Đặc trưng các địa hình đó là:

Vùng núi cao: Nằm phía Đông của dãy Trường Sơn, bao gồm các xã phía Tây của huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh. Địa hình dốc, bị chia cắt mạnh, hình thành nên các thung lũng nhỏ hẹp chạy dọc triển sông lớn của hệ thống sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Rào Trổ.

Vùng Trung du, bán sơn địa: Là vùng chuyển từ vùng núi cao xuống đồng bằng, chạy dọc phía Tây Nam đường Hồ Chí Minh, gồm các xã vùng thấp của huyện Hương Sơn, các xã huyện Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Địa hình xen lẫn đồi trung bình, thấp với đất ruộng.

Vùng đồng bằng: Chạy dọc hai bên quốc lộ 1A theo cân núi Trà Sơn và dải ven biển. Gồm các xã vùng giữa của huyện Đức Thọ, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Vùng đồng bằng có địa hình tương đối bằng phẳng nhờ quá trình bồi tụ phù sa của sông, phù sa biển trên các vỏ phong hóa Feralit hay trầm tích biển

Vùng ven biển: Nằm phía Đông quốc lộ 1A, chạy dọc theo bờ biển các xã Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Địa hình vùng này chủ yếu được tạo bởi những đụn cát, vùng trũng lấp đầy trầm tích, đầm phá hay phù sa được hình thành do đụn cát chạy dài ngăn cách bãi biển.

Tiềm năng phát triển du lịch

Hà Tĩnh có đường bờ biển dài 137km, sở hữu nhiều bãi tắm đẹp cùng các khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan hùng vĩ. Phải kể đến những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp nơi đây đó là núi Hồng, sông La, đèo Ngang, hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, vườn quốc gia Vũ Quang… Đặc biệt, khu du lịch bãi tắm Thiên Cầm là nơi thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến với Hà Tĩnh mỗi năm.

Với những thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, có thể nhận định tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh khá toàn diện. Đây là địa phương có thể phát triển du lịch với nhiều loại hình. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là du lịch biển, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái.

Giao thông

Hà Tĩnh có hệ thống giao thông hoàn thiện gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy. Phải kể đến tuyền quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy xuyên qua tỉnh. Đây cũng là tỉnh giáp biên giới nên có cửa khẩu Cầu Treo thuận tiện cho giao lưu các nước bạn như Lào, Thái Lan.

Giao thông thuận lợi cũng giúp việc di chuyển từ Hà Tĩnh đến Hà Nội trở nên dễ dàng hơn.

Định hướng quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030

Theo quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các định hướng tạo đột phá phát triển gồm có các nội dung:

4 ngành kinh tế trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép, sản xuất điện; Nông lâm nghiệp, thủy sản; Dịch vụ logistics; Du lịch

3 trung tâm đô thị: Thành phố Hà Tĩnh được xác định là hạt nhân phát triển đô thị của tỉnh, các đô thị vệ tinh kết nối gồm có thị trấn Thạch Hà, Thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà.

  • Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với các thị trấn Tiên Điền, Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân, vùng phụ cận.
  • Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh, gắn với khu kinh tế Vũng Áng

3 hành lang kinh tế:

  • Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển, quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và quốc lộ ven biển
  • Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8, từ thị xã Hồng Lĩnh đến khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
  • Hành lang kinh tế trung du, miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hà Tĩnh

Theo quy hoạch, đến năm 2021, diện tích đất tự nhiên của tỉnh Hà tĩnh là 599,718ha. Trong đó:

  • Đất nông nghiệp diện tích 481.156 ha
  • Đất phi nông nghiệp diện tích 100.575 ha
  • Đất đô thị diện tích 23.036 ha
  • Đất khu bảo tồn thiên nhiên diện tích 74.600 ha
  • Đất chưa sử dụng có diện tích 17.987 ha
  • Đất du lịch có diện tích 5.390 ha

Trong đất phi nông nghiệp, cơ cấu được phân bổ cụ thể như sau:

  • Đất phát triển hạ tầng có diện tích 40.224 ha
  • Đất ở đô thị có diện tích 1.775 ha
  • Đất quốc phòng có diện tích 5.000ha
  • Đất khu công nghiệp có diện tích 5125 ha
  • Đất nghĩa trang 4.843ha

Mục tiêu quy hoạch Thành phố Hà Tĩnh và tỉnh Hà Tĩnh

  • Cụ thể hóa định hướng phát triển đô thị Việt Nam, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Tĩnh, chiến lược phát triển vùng
  • Xây dựng TP Hà Tĩnh trở thành đô thị loại II và tương lai đạt đô thị loại I. Cấu trúc đô thị phát triển bền vững, đạt hiệu quả sử dụng đất đai, có hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
  • Xây dựng TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận có tổng thể không gian hài hòa với môi trường tự nhiên, khai thác một cách hợp lý tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch…

Thông tin bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Hà Tĩnh

Tổng diện tích đất tự nhiên TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận là 30.916ha

  • Định hướng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2021: Đất xây dựng đô thị TP Hà Tĩnh khoảng 2796 ha, gồm đất dân dụng và đất ngoài dân dụng
  • Định hướng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị TP Hà Tĩnh khoảng 4.116ha, gồm đất dân dụng và đất ngoài dân dụng

Bản đồ quy hoạch phát triển không gian vùng TP Hà Tĩnh

Vùng đất thấp ven biển các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc và TP Hà Tĩnh dọc theo quốc lộ 1, đường ven biển.Trọng tâm của khu vực là khu kinh tế Vũng Áng, mỏ sắt Thạch Khê. Tập trung thành lập các lĩnh vực hỗ trợ tăng trương kinh tế hàng hải, công nghiệp nặng, sản xuất thép, nhiệt điện…

Tăng số lượng cơ sở giáo dục, đào tạo trình độ cao, xây dựng các cụm Công nghệ cao, xây dựng nhà ở, dịch vụ liên quan để làm nền tảng, nguồn lực con người cho tăng trưởng kinh tế. Khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch nhân văn.

Bản đồ quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh
Bản đồ quy hoạch phát triển không gian TP Hà Tĩnh

Đồng bằng và một phần miền núi phía Bắc – dọc quốc lộ 8 (vùng 2), gồm có các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Thị xã Hồng Lĩnh. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các đô thị Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Xuân An… là tâm điểm. Chủ yếu tập trung phát triển công nghiệp chế biến, cụm dịch vụ hậu cần, mũi nhọn là tiểu thủ công nghiệp- thương mại – dịch vụ.

Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Tĩnh

Theo như dự tính, đến năm 2030, quỹ đất phát triển du lịch tại Hà Tĩnh là 9545 ha, với các không gian du lịch cụ thể như sau:

  • Vùng sinh thái kết nối khu bảo tồn thiên nhiên huyện Vũ Quang, hồ Ngàn Trươi, Cẩm Trang, Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, suối nước nóng Sơn Kim, kinh tế Cầu Treo
  • Du lịch biển phát triển với tuyến Thiên Cầm – Kỳ Ninh, kết nối các vùng Thiên Cầm, Kỳ Xuân, Kỳ Ninh, Đèo Con, Thạch Bằng, Xuân Liên, Xuân Thành
  • Khu du lịch văn hóa tâm linh gắn liền các di tích lịch sử, cách mạng, địa danh lịch sử, danh nhân văn hóa như Ngã Ba Đồng Lộc, Chùa Hương, Đền bà Nguyễn Thị Bích Châu, Khu du lịch Nguyễn Du, Hải Thượng…

Quy hoạch phát triển công nghiệp

Dự kiến, đến năm 2030, tổng quỹ đất phát triển công nghiệp của vùng là 34.500ha. Gồm có đất công nghiệp thuộc Khu kinh tế Cầu Treo, Vũng Áng và các cụm khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Mục tiêu cụ thể như sau:

  • TT công nghiệp khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo: Tập trung vào các ngành CN đa công nghiệp, chế biến Nông sản, lắp ráp điện tử, dịch vụ cửa khẩu, logistics.
  • Trung tâm công nghiệp Vũng Áng: Phát triển các ngành công nghiệp nặng, nhiệt điện, luyện thép, lọc hóa dầu, cảng, dịch vụ hậu cảng
  • Theo quy hoạch phát triển đến năm 2025, sẽ có khoảng 27 cụm công nghiệp.

Trên đây là bản đồ quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đầy đủ, chi tiết nhất. Việc nắm được bản đồ quy hoạch sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về địa phương này, từ đó có được sự đầu tư đúng đắn và sáng suốt nhất cho các lĩnh vực như bất động sản, du lịch.